Biểu mẫu Hợp đồng nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm

doc5 trang | Chia sẻ: khangbt19 | Ngày: 20/06/2022 | Lượt xem: 348 | Lượt tải: 0Download
Tóm tắt tài liệu Biểu mẫu Hợp đồng nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UỶ BAN NHÂN DÂN          CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
           TỈNH THANH HOÁ                                 Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
 TRƯỜNG ĐẠI HỌC HỒNG ĐỨC        
QUY ĐỊNH
Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của giáo viên chủ nhiệm
và giáo viên chủ nhiệm - cố vấn học tập tại trường Đại học Hồng Đức.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 858/QĐ-ĐHHĐ ngày 16/9/2008
của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức)
Căn cứ vào các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và xuất phát từ tình hình thực tế của Trường, Hiệu trưởng quy định “Nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên chủ nhiệm - cố vấn học tập tại Trường Đại học Hồng Đức” như sau:
1. Giáo viên chủ nhiệm (GVCN), cố vấn học tập (CVHT) là các chức danh do Nhà trường quy định. Các lớp  học sinh, sinh viên (HSSV) hệ chính quy: đào tạo theo niên chế chỉ có GVCN, đào tạo theo hệ thống tín chỉ có GVCN-CVHT. Hiệu trưởng bổ nhiệm GVCN, GVCN-CVHT trên cơ sở đề xuất của Trưởng khoa, bộ môn trực thuộc.
2. GVCN, GVCN-CVHT được lựa chọn từ các giảng viên hoặc cán bộ quản lý đào tạo đã tốt nghiệp đại học trở lên thuộc khối ngành đào tạo của khoa /bộ môn chuyên ngành có ít nhất 5 năm tham gia giảng dạy, quản lý, tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác GVCN, GVCN-CVHT và đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
2.1. Có tinh thần trách nhiệm trong công tác, nhiệt tình đối với nhiệm vụ được giao;
2.2. Hiểu biết về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy chế của Bộ Giáo dục & Đào tạo và quy định của Trường về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp; về chế độ chính sách; về công tác HSSV.
GVCN-CVHT phải nắm vững Quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo học chế tín chỉ (Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ Giáo dục & Đào tạo) và “Quy định về đào tạo đại học, cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ” (Quyết định số 801/QĐ-ĐHHĐ ngày 03/9/2008 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức);
2.3. Nắm vững mục tiêu, chương trình đào tạo, các hình thức đào tạo, các quy trình trong công tác đào tạo và công tác HSSV, cụ thể:
a) Nắm vững chương trình giáo dục toàn khoá của ngành, chuyên ngành; nội dung của các khối kiến thức có trong chương trình; nội dung và yêu cầu của từng học phần.
b) Nắm vững quy trình đánh giá kết quả rèn luyện; đánh giá kết quả học tập của từng học phần, môn học theo quá trình, các điều kiện xét phân loại HSSV, buộc thôi học...
c) Đối với GVCN-CVHT cần nắm vững về các học phần: bắt buộc, tự chọn (tự chọn bắt buộc, tự chọn tuỳ ý), học phần tiên quyết; đăng ký học phần, rút bớt học phần đã đăng ký học và bổ sung học phần; đăng ký học các học phần chưa đạt, học để thi nâng điểm các học phần... Nắm vững quy trình tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ: học lý thuyết, thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; thực tập tại cơ sở; làm bài tập lớn, tiểu luận, đồ án hoặc khoá luận tốt nghiệp; số tín chỉ tối đa và tối thiểu phải tích luỹ trong từng học kỳ, năm học; số tín chỉ tích luỹ để được xét cấp học bổng khuyến khích...
3. Nhiệm vụ cụ thể của GVCN, GVCN-CVHT:
3.1. Nghiên cứu, hiểu để thực hiện các Quy chế, Quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và của Trường; nghiên cứu Chương trình đào tạo các ngành của Trường;
3.2. Nắm vững danh sách, tình hình HSSV lớp được giao làm GVCN, GVCN-CVHT (lý lịch, hoàn cảnh gia đình, sức khoẻ và điều kiện học tập của HSSV);
3.3. Đối với GVCN-CVHT có thêm nhiệm vụ hướng dẫn SV xây dựng kế hoạch học tập riêng trên cơ sở lựa chọn các học phần được Nhà trường tổ chức giảng dạy từng học kỳ, vừa phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo, vừa phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện sinh hoạt, hoàn cảnh kinh tế của SV; tư vấn và ký xác nhận cho SV đăng ký học phần của từng học kỳ theo chuyên ngành đào tạo; tư vấn cho SV phấn đấu để hoàn thành khối lượng học tập đã đăng ký;
3.4. Phối hợp và hỗ trợ phòng Công tác HSSV, phòng Đào tạo, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội SV và các khoa /bộ môn trong việc tổ chức phong trào, các hoạt động ngoại khoá và tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội khác của HSSV;
3.5. Phối hợp với các trợ lý: giáo vụ, công tác HSSV khoa /bộ môn và các tổ chức chi đoàn, chi hội SV để theo dõi, đánh giá toàn diện về học tập và rèn luyện của HSSV;  chủ trì việc đánh giá kết quả rèn luyện của HSSV trong lớp được phân công làm GVCN, GVCN-CVHT cuối mỗi học kỳ, năm học;
3.6. Tham dự các hội nghị lớp, chi đoàn HSSV, các tiết sinh hoạt lớp. Riêng GVCN-CVHT có địa chỉ Email để giao dịch với SV và mỗi tuần trực tại văn phòng khoa /bộ môn 01 buổi để trả lời những nội dung theo yêu cầu của SV (Trưởng khoa /bộ môn xếp lịch để GVCN-CVHT làm việc với SV hằng tuần tại văn phòng khoa /bộ môn);
3.7. Định kỳ (cuối tháng, học kỳ, năm học) hoặc đột xuất báo cáo với Trưởng khoa /bộ môn về HSSV, tham dự các cuộc họp của Hội đồng khoa /bộ môn liên quan đến HSSV của lớp mình phụ trách. Tham dự các khoá đào tạo, các hội nghị về chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công việc của GVCN, GVCN-CVHT do Nhà trường tổ chức;
3.8. Thường xuyên liên hệ, phối hợp với Trợ lý công tác HSSV khoa /bộ môn để được hỗ trợ các điều kiện trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao; trao đổi về tình hình HSSV, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giải quyết chế độ, chính sách cho HSSV.
4. Quyền lợi của GVCN, GVCN-CVHT:
4.1. Tham gia các cuộc họp của Hội đồng khoa/bộ môn để xét khen thưởng, kỷ luật, đánh giá kết quả rèn luyện; xét chọn học bổng tài trợ... có liên quan đến HSSV của lớp mình phụ trách; có quyền phát biểu, phản biện và đề xuất ý kiến của mình;
4.2. Được tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác GVCN, GVCN-CVHT do khoa /bộ môn, Nhà trường tổ chức; được cung cấp công cụ để thực hiện công tác GVCN, GVCN- CVHT...;
4.3. Được hưởng theo chế độ:
+ GVCN được tính bằng 10%; GVCN-CVHT lớp có 80 SV trở xuống được tính bằng 15%, từ 81-100 SV hệ số 1.2, từ 101-120 SV hệ số 1.3, từ 121-140 SV hệ số 1.4, từ 141-160 SV hệ số 1.5, từ 161 SV trở lên hệ số 1.6 của mức 15% định mức khối lượng giờ giảng dạy nghĩa vụ hằng năm và được thanh toán theo quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường;
+ Được Nhà trường xét khen thưởng nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xét các danh hiệu thi đua, xét chức danh cán bộ giảng dạy, xét chọn đi học tập, bồi dưỡng hoặc đề bạt, bổ nhiệm.
5. Bộ công cụ của GVCN, GVCN-CVHT, bao gồm:
5.1. Sổ tay HSSV;
5.2. Niên lịch đào tạo Trường Đại học Hồng Đức (hằng năm học);
5.3. Cặp tài liệu công tác GVCN, GVCN-CVHT;
5.4. Danh sách lớp và tóm tắt thông tin cá nhân HSSV;
5.5. Các mẫu biểu cho GVCN, GVCN-CVHT, bao gồm: Bản tự khai (để HSSV tự điền vào); mẫu ghi chép các cuộc gặp gỡ HSSV; giấy ghi nhận xét tư cách của HSSV.
6. Tổ chức thực hiện:
6.1. Trưởng khoa /bộ môn chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng:
a) Giới thiệu GVCN, GVCN-CVHT của các lớp HSSV thuộc khoa /bộ môn mình quản lý theo tiêu chuẩn quy định tại mục 2 để Hiệu trưởng bổ nhiệm (gửi danh sách giới thiệu qua Phòng Tổ chức cán bộ chậm nhất vào ngày 25/7 hằng năm );
b) Trực triếp quản lý, theo dõi hoạt động của GVCN, GVCN-CVHT. Kết thúc học kỳ, năm học Trưởng khoa /bộ môn tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động, trong đó có nhận xét, đánh giá hoạt động của toàn thể và từng cán bộ; biểu dương khen thưởng những GVCN, GVCN-CVHT có thành tích xuất sắc; phê bình, nhắc nhở hoặc đề nghị Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức Trường xử lý kỷ luật những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ (gửi văn bản sơ kết, tổng kết về BGH qua phòng Công tác HSSV);
c) Tổ chức lấy ý kiến phản hồi của HSSV về hoạt động của GVCN, GVCN- CVHT để kịp thời rút kinh nghiệm.
6.2. Phòng Công tác HSSV: Là đầu mối tổ chức thực hiện công tác GVCN, GVCN- CVHT; phối hợp chặt chẽ với Phòng Đào tạo, khoa/bộ môn để:
a) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GVCN, GVCN- CVHT;
b) Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho GVCN, GVCN- CVHT;
c) Tổ chức sơ kết sau học kỳ I, tổng kết sau học kỳ II hằng năm học về công tác GVCN, GVCN- CVHT.
6.3. Phòng Đào tạo: Phối hợp với khoa /bộ môn, Phòng Công tác HSSV và Phòng Kế hoạch- Tài chính hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho GVCN, GVCN- CVHT.
6.4. Phòng Tổ chức cán bộ: Tham mưu cho Hiệu trưởng bổ nhiệm GVCN vào đầu năm học, bổ nhiệm GVCN-CVHT vào đầu khoá học; thông báo danh sách trên Website của trường và xác nhận thanh toán khối lượng công tác.
6.5. Phòng Kế hoạch-Tài chính phối hợp với các phòng: Tổ chức cán bộ, Đào tạo, Công tác HSSV và các khoa /bộ môn hướng dẫn và thực hiện việc giải quyết các chế độ cho GVCN, GVCN-CVHT theo quy định.
Hiệu trưởng yêu cầu Trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức quán triệt Quy định này đến toàn thể cán bộ, giảng viên, HSSV biết để thực hiện từ năm học 2008-2009. Các văn bản liên quan đến công tác GVCN lớp trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, đề nghị các đơn vị kịp thời báo cáo về BGH qua phòng Tổ chức- Cán bộ, phòng Công tác HSSV./.
   HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
TS. Nguyễn Văn Phát
Nơi nhận:                                                                              
- ĐU, BGH (để b/cáo);
- Khoa /BM, phòng (để thực hiện);                                                           
- TT TT-TV (để đưa lên Website);
- Lưu VT. TCCB, CTHSSV.      

File đính kèm:

  • docbieu_mau_hop_dong_nghiep_vu_giao_vien_chu_nhiem.doc
Biểu Mẫu liên quan